BỘ MÔN BÀO CHẾ – CÔNG NGHIỆP DƯỢC 13 NĂM – MỘT CHẶNG ĐƯỜNG

Bộ môn Bào chế – Công nghiệp dược được thành lập từ những ngày đầu hình thành khoa Dược – 2008 và chính thức đi vào hoạt động vào tháng 11 – 2009.

Là bộ môn chính thuộc một trong ba chuyên ngành đào tạo Dược sỹ đại học của Khoa Dược, trường Đại học Nguyễn Tất Thành, bộ môn Bào chế – Công nghiệp dược được nhà trường và Khoa rất quan tâm và đầu tư phát triển – về cả nhân sự lẫn cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, máy móc phục vụ công tác giảng dạy. Bộ môn có 04 phòng thí nghiệm được trang bị đầy đủ trang thiết bị máy móc, thiết bị phục vụ nhu cầu thiết yếu trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học như máy dập viên, máy bao phim, máy bao đường, máy trộn siêu tốc, máy sấy tầng sôi, máy đóng nang thủ công, tủ sấy, bếp cách thủy, máy đo pH, máy khuấy, thiết bị đồng nhất hóa, máy đo độ cứng, máy đo độ rã, máy đo độ hòa tan…

Với đặc thù của các môn học mà bộ môn đảm nhận bao gồm cả giảng dạy lý thuyết và thực hành, các thành viên bộ môn luôn ý thức nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm thông qua việc tham gia đầy đủ các khóa tập huấn của khoa Dược và nhà trường, không ngừng học hỏi cập nhật các kiến thức mới để mang đến cho sinh viên những giờ học chất lượng nhất. Hiện nay, Bộ môn Bào chế – Công nghiệp dược đảm nhận giảng dạy rất nhiều môn, từ cơ sở ngành như Thực hành dược khoa 2, cho đến các môn chuyên ngành: Bào chế và công nghệ dược phẩm 1 và 2 (Bao gồm cả học phần lý thuyết và thực hành), Sản xuất thuốc 2, Hệ thống trị liệu mới và một số dạng thuốc đặc biệt, Chuyên đề bào chế.

Song song với công việc giảng dạy, Bộ môn còn đảm nhận những công tác khác theo sự phân công từ Ban Chủ nhiệm khoa Dược và nhà trường, bao gồm giảng dạy đi đôi với đảm bảo chất lượng, xây dựng và cải tiến giáo trình/đề cương chi tiết phù hợp yêu cầu của Bộ và nhu cầu xã hội, tham gia hỗ trợ coi thi THPT, tuyển sinh, cố vấn học tập, tư vấn chuyên ngành, hướng dẫn sinh viên làm đồ án chuyên ngành, khóa luận tốt nghiệp, tham gia nghiên cứu khoa học.

Với sứ mệnh: mỗi người giảng viên là một nhà khoa học, hằng năm, các giảng viên trong bộ môn luôn tiến hành các đề tài nghiên cứu bào chế thuốc song song với công tác giảng dạy. Bộ môn cũng xây dựng định hướng nghiên cứu rất rõ ràng qua từng giai đoạn và đã có rất nhiều đề tài thành công qua các năm.

Từ năm 2008 đến nay, bộ môn Bào chế – Công nghiệp dược đã đạt được các thành tích như sau:

  • Giải khuyến khích Phương pháp giảng dạy hội thảo “Đổi mới phương pháp giảng dạy” Khoa Dược – Trường đại học Nguyễn Tất Thành năm 2017.
  • Khen thưởng tích cực tham gia của giảng viên và sinh viên trong hội nghị khoa học khoa Dược NTTU lần thứ 1/2017.
  • Giải khuyến khích Hội thảo “Bài giảng hay – Thầy trò tích cực” – Khoa Dược 2018.
  • Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học các năm 2018, 2019, 2020.

Đầu năm 2020, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid 19, bộ môn Bào chế – Công nghiệp Dược, dưới sự chỉ đạo của ban chủ nhiệm khoa và sự góp sức nhiệt tình của toàn bộ giảng viên, nhân viên khoa Dược – Đại học Nguyễn Tất Thành, đã thành lập được 1 xưởng sản xuất nhỏ ngay trong các phòng thực hành của bộ môn để sản xuất kịp thời dung dịch rửa tay khô để phục vụ cán bộ, nhân viên cũng như sinh viên toàn trường và cộng đồng. Trong một khoảng thời gian gấp gáp cùng với sự khan hiếm về nguyên vật liệu vào thời điểm đó, nhưng với sự đồng lòng của toàn thể bộ môn cũng như toàn khoa Dược, phòng sản xuấy nhỏ đã làm ra được hơn 1.000 chai nước rửa tay khô dung tích 500 ml và hơn 10.000 chai dung tích 50 ml. Đó là một sự kiện để lại dấu ấn rất đặc biệt trong quá trình hình thành và phát triển của bộ môn.

Một chặng đường phát triển 13 năm không phải là quá dài nhưng cũng đã ghi nhận nhiều thành tựu và sự trưởng thành của bộ môn Bào chế – Công nghiệp Dược. Với sự quan tâm và đầu tư không ngừng của Ban giám hiệu trường Đại học Nguyễn Tât Thành cũng như ban chủ nhiệm Khoa Dược, các thành viên bộ môn sẽ luôn nỗ lực, phấn đấu hết mình để trở thành một bộ trong những bộ môn chủ quản vững mạnh của khoa, góp phần đào tạo ra các thế hệ Dược sĩ vừa tài, vừa đức – đúng với châm ngôn đào tạo của toàn trường: Thực học – Thực hành – Thực danh – Thực nghiệp!

Th.S Nguyễn Thị Hoài Thương

Call Now