Sự bùng nổ của đại dịch COVID-19 đã dẫn tới những thay đổi lớn trong xã hội nói chung và ngành giáo dục đào tạo nói riêng. Để thỏa mãn nhu cầu học tập trong khi vẫn đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch, các cơ sở giáo dục, trong đó có Đại học Nguyễn Tất Thành, buộc phải thay đổi hình thức học tập cho phù hợp. Công nghệ đã trở thành giải pháp duy nhất khi các hình thức học trực tuyến cho phép người học khả năng tiếp cận nguồn kiến thức ngay cả khi phải thực hiện giãn cách xã hội. Nghiêm túc, kịp thời chấp hành các quyết sách của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Nhà trường, Khoa Dược Đại học Nguyễn Tất Thành đã ứng dụng các hình thức đào tạo trực tuyến trong giảng dạy, bao gồm E-Learning, Hybrid Learning và Blended Learning, nhằm đảm bảo tiến độ đào tạo trong tình hình dịch diễn biến phức tạp.
Thuật ngữ e-learning đã xuất hiện từ năm 1999, trong một Hội nghị Quốc tế về Computer-Based Training. E-learning chỉ một môi trường học tập trong đó người học có thể tương tác trực tuyến với học liệu thông qua Internet hoặc các phương tiện truyền thông điện tử khác. Trong thập kỷ tiếp theo, các lớp học E-learning đầu tiên đã xuất hiện và cho đến năm 2010, cùng với sự bùng nổ về công nghệ ứng dụng trên các nền tảng di động và sự phát triển của mạng xã hội, thị trường E-learning đã có những bước biến đổi mạnh mẽ, mở đường cho sự xuất hiện của các hình thức học tập trực tuyến khác như blended learning và hybrid learning. Mặc dù đều ứng dụng công nghệ kỹ thuật số trong giảng dạy, vẫn có sự khác biệt giữa 3 hình thức học tập này mà các nhà giáo dục cũng như người học cần nắm rõ để ứng dụng cho phù hợp.
E-learning (đào tạo trực tuyến) là hình thức đào tạo mà người học học trực tuyến hoàn toàn, từ khi đăng ký cho đến khi kết thúc khóa học. Người học có thể tiến hành việc học tại bất cứ nơi nào có máy tính và kết nối mạng. Các buổi học elearning có thể mang tính tương tác hoặc thụ động tùy mục đích của người dạy. Các buổi học tương tác có thể diễn ra qua hội nghị truyền hình trên Google Meet hoặc Zoom. Đối với các buổi học thụ động, người học tự tìm hiểu các tài liệu trực tuyến mà người dạy đã đăng tải sẵn.
Blended learning (đào tạo kết hợp) là hình thức đào tạo kết hợp giữa lớp học truyền thống và các hoạt động trực tuyến. Người học sẽ hoàn thành một số buổi học theo cách thức truyền thống (lên lớp nghe giảng) và tự tìm hiểu thêm các tài liệu người dạy đăng tải trên nền tảng trực tuyến. Như vậy trong hình thức này, các hoạt động trực tuyến chỉ mang tính bổ trợ cho các buổi học trên lớp.
Hybrid learning (đào tạo hỗn hợp) là hình thức học tập mà người học có thể lựa chọn tham gia lớp học bằng cách trực tuyến hoặc trực tiếp. Người dạy sẽ dạy đồng thời cả hai nhóm học viên (trực tuyến và trực tiếp) thông qua các phương tiện như hội nghị truyền hình. Có thể thấy trong hình thức này, lớp học trực tuyến mang tính chất ngang bằng và có thể thay thế cho lớp học truyền thống.
Cả ba hình thức đều có những ưu nhược điểm riêng. Việc lựa chọn hình thức nào để giảng dạy phải tùy thuộc vào tình hình thực tế và tính chất, nội dung khóa học. Trong thời gian chống dịch vừa qua, trường Đại học Nguyễn Tất Thành nói chung và Khoa Dược nói riêng đã có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa 3 hình thức để vừa đáp ứng nhu cầu đào tạo vừa đảm bảo an toàn cho người học. Khi dịch bùng phát, Khoa Dược đã chuyển tất cả các học phần lý thuyết sang hình thức E-learning để hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh. Các lớp học thực hành được tiến hành theo hình thức Blended learning và Hybrid learning. Một số buổi học thực hành sinh viên sẽ học trên lớp, một số buổi còn lại các bạn học trực tuyến qua Google Meet và học liệu. Toàn thể giảng viên, cán bộ công nhân viên của khoa đã làm việc hết mình để chuẩn bị nguồn học liệu phong phú cho sinh viên trên nền tảng trực tuyến của trường. Dù không được nghe giảng trực tiếp trên lớp, sinh viên vẫn tiếp thu đầy đủ kiến thức, đảm bảo theo kịp tiến độ đào tạo.
Nền tảng học trực tuyến của trường Đại học Nguyễn Tất Thành |
Mặc dù đã bắt đầu thích nghi với trạng thái “bình thường mới”, sinh viên đã trở lại trường, khoa Dược vẫn liên tục tiến hành rà soát, cập nhật học liệu đang sử dụng cũng như lên kế hoạch xây dựng học liệu mới, luôn trong tâm thế sẵn sàng chuẩn bị. Với tác động kéo dài của đại dịch COVID-19, trong những năm tới E-learning, Blended learning và Hybrid learning sẽ trở thành những xu hướng phát triển mới của ngành mà các cơ sở đào tạo nói chung và trường Đại học Nguyễn Tất Thành nói riêng cần liên tục đổi mới không ngừng để có thể theo kịp và áp dụng một cách thành công.
Bài, ảnh: ThS. Phan Thanh Thủy
Khoa Dược, Đại học Nguyễn Tất Thành