NTTU – Thuốc đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống con người với những loại thuốc viên con nhộng, thuốc dạng bột, vacxin,… Những cá nhân theo học chuyên ngành Sản xuất và phát triển thuốc là người đã thực hiện nghiên cứu và bào chế ra các loại thuốc này. Cùng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành (NTTU) tìm hiểu chi tiết về chuyên ngành này bạn nha.
Phát triển thuốc là quá trình thiết lập và tiếp thị một sản phẩm dược phẩm mới an toàn, ổn định và hiệu quả thông qua thử nghiệm lâm sàng, tiền lâm sàng và phê duyệt theo đúng chuẩn của các quy định có trong hợp chất có sẵn thông qua quá trình khám phá thuốc và thiết kế thuốc. Chuyên ngành sản xuất và phát triển thuốc này cuối cùng để bán ra ngoài thị trường các loại thuốc mới, hoặc được cải tiến nhưng vẫn đảm bảo đem lại hiệu quả cho người sử dụng.
– Kiến thức cơ bản về thực vật, dược liệu, dược học cổ truyền, chiết xuất, công nghệ sinh học, bán tổng hợp, tổng hợp trong sản xuất nguyên liệu làm thuốc và vận dụng các kiến thức này để xây dựng quy trình và sản xuất một số nguyên liệu làm thuốc.
– Kiến thức, kỹ năng về triển khai thực hiện nghiên cứu, phát triển công thức các dạng thuốc, giúp người học đánh giá được vai trò, ảnh hưởng của các thành phần trong công thức, qui trình bào chế, sản xuất đến độ ổn định, độ an toàn, sinh khả dụng và hiệu quả điều trị của thuốc. Từ đó, xây dựng, triển khai quy trình sản xuất một số dạng bào chế quy ước.
– Kỹ năng thực hiện được việc tổ chức và pha chế một số thuốc tại cơ sở điều trị. Vận dụng một cách phù hợp, trách nhiệm và có đạo đức những kiến thức về dạng bào chế, sinh dược học trong lựa chọn và sử dụng thuốc.
– Kiến thức tổng quát về hệ thống quản lý chất lượng thuốc, các nguyên tắc chuẩn mực áp dụng trong hệ thống quản lý chất lượng thuốc và kiến thức cơ bản về các kỹ thuật phân tích thường được sử dụng trong phân tích, kiểm nghiệm chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc. Từ đó, triển khai được việc phân tích, kiểm nghiệm thuốc và nguyên liệu làm thuốc theo Dược điển Việt Nam.
– Kiến thức để xây dựng, thẩm định tiêu chuẩn chất lượng thuốc và nguyên liệu làm thuốc.
– Kiến thức và áp dụng được các nguyên tắc thực hành tốt (GPs) trong sản xuất và cung ứng. Từ đó, tham gia xây dựng và áp dụng các quy trình thao tác chuẩn (SOPs) để đảm bảo chất lượng thuốc.
Theo công bố của Cục Quản lý Dược, Việt Nam hiện có khoảng 271 doanh nghiệp sản xuất dược phẩm đạt tiêu chuẩn GMP-WHO. Vì vậy nên cơ hội việc làm của SV tốt nghiệp chuyên ngành này sẽ có rất nhiều cơ hội việc làm vô cùng phong phú, các bạn có thể công tác tại các xí nghiệp sản xuất dược phẩm: – Nghiên cứu và phát triển thuốc, – Đảm bảo chất lượng thuốc, – Kiểm nghiệm thuốc, – Làm việc tại các xưởng sản xuất hay kho bảo quản thuốc…
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành tổng hợp