NTTU – Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 chỉ còn cách 3 ngày, đây sẽ là khoảng thời gian nước rút để các bạn thí sinh hệ thống hóa các kiến thức đã ôn luyện. Tuy nhiên, bởi áp lực về thời gian và ôn tập sẽ tạo ra nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần. Hãy để Trường ĐH Nguyễn Tất Thành mách bạn những bí kíp để giải tỏa căng thẳng mùa thi nhé!
Chế độ ăn khoa học
Dinh dưỡng hợp lý sẽ góp phần cung cấp năng lượng cho cơ thể và khi cơ thể đầy đủ năng lượng mới có thể học tập và làm việc được. Các sĩ tử cần một chế độ ăn đầy đủ chất, nhất là những thức ăn có lợi cho não bộ. Nhưng không nên ăn nhồi nhét, thức ăn nên cân bằng, không để dồn bữa quá nhiều thức ăn bổ dưỡng cùng lúc sẽ khiến cơ thể khó tiêu. Đặc biệt, không bỏ bữa ăn sáng bởi đây là bữa ăn quan trọng giúp bạn bổ sung phần lớn dinh dưỡng cần thiết trong ngày.
Chế độ sinh hoạt điều độ
Trước và trong các kỳ thi, thí sinh nên duy trì chế độ sinh hoạt điều độ. Học, ăn, ngủ theo giờ. Không nên học quá khuya, ngủ đảm bảo 8 tiếng/ngày để cho bộ não khỏe mạnh và hoạt động tốt. Trong giai đoạn nước rút này, thí sinh nên đi ngủ sớm để giữ tinh thần sảng khoái. Sau khi học bài xong không nên đi ngủ ngay mà cần thư giãn, uống sữa nóng trước khi đi ngủ để có giấc ngủ ngon.
Rèn luyện sức khỏe, dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý
Kỳ thi kéo dài trong 4 ngày là chặng cuối trong quá trình học và ôn căng thẳng, chính vì thế mà các sĩ tử rất dễ rơi vào trạng thái mệt mỏi. Việc ôn bài kết hợp với nghỉ ngơi hợp lý trước và trong kỳ thi sẽ giúp các bạn xua tan mệt mỏi và chuẩn bị năng lượng cho kỳ thi tốt nhất. Các sĩ tử nên tránh học liên tục, cần nghỉ ngơi sau một giờ học, giúp tăng khả năng tập trung, thư giãn đầu óc.
Chuẩn bị tâm lý trước và trong khi thi
Trong thời gian sắp thi và những ngày thi cử, các thí sinh thường dễ bị thương tổn tâm lý nên rất cần được sự quan tâm, đồng hành, gần gũi của gia đình. Hãy giữ thái độ lạc quan khi ôn luyện và thi, các bạn hãy luôn tự nhủ rằng mình có thể làm tốt. Những đêm trước ngày thi, một giấc ngủ ngon sẽ giúp các bạn tỉnh táo và sẵn sàng đón nhận thử thách của kỳ thi.
Ôn luyện khoa học, không gượng ép
Ở giai đoạn chạy “nước rút” này, việc học sinh ôn luyện theo chuyên đề và luyện đề theo chuẩn cấu trúc đề minh họa mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố là rất quan trọng. Điều này sẽ giúp học sinh tự thấy bản thân mình chưa nắm vững kiến thức cơ bản ở phần nào, bài nào thì sẽ tự ôn tập và bổ sung ngay phần kiến thức đó. Từ đó, giúp các em nắm vững kiến thức cơ bản, hiểu rõ bản chất của các công thức, định nghĩa, định lý, hiện tượng vật lý để không bị mất điểm ở các câu nhận biết, thông hiểu. Các câu này thường chiếm khoảng 70% đến 75% trong đề thi (tức 28 đến 30 câu trong đề 40 câu). Việc luyện đề cũng giúp các em nâng cao kỹ năng làm bài, biết phân bổ thời gian hợp lý, giúp rèn luyện tâm lý, tư duy và tốc độ phản xạ nhanh hơn.
10 lưu ý trước khi bước vào kỳ thi
Theo thạc sĩ Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), để đảm bảo điều kiện đủ để bước tiếp vào bậc ĐH thì TS không được chủ quan, lơ là mà cần chuẩn bị chu đáo để tự tin đạt kết quả tốt nhất với 10 lưu ý sau đây:
1. Kiểm tra thông tin và xếp ngăn nắp các loại giấy tờ mang vào phòng thi: Phiếu báo dự thi, thẻ học sinh, CCCD. Nếu có sai sót thì báo cho nhà trường, còn phát hiện sai trong những ngày đến điểm thi thì báo cho thầy cô coi thi.
2. Chuẩn bị các vật dụng được phép mang vào phòng thi: máy tính cầm tay không có thẻ nhớ, không có chức năng soạn thảo văn bản, bút bi, bút chì 2B, gôm, thước kẻ, compa, atlat…
3. Xem lại hệ thống kiến thức các môn thi, chú trọng 3 môn của khối thi mà đã được đầu tư nhiều.
4. Tìm hiểu vị trí, khoảng cách từ nhà đến điểm thi. Ngày 26.6 đến điểm thi làm các thủ tục thi nên quan sát xem phòng thi có máy điều hòa nhiệt độ, quạt máy, vị trí nhà vệ sinh… biết để thích nghi.
5. Đọc kỹ các văn bản về nội quy phòng thi, cách hướng dẫn làm bài thi tự luận, thi trắc nghiệm. Những trường hợp được xét đặc cách… để khi gặp sự cố cận ngày thi và trong những ngày thi thì phụ huynh, học sinh biết cách xử lý cho hợp pháp.
6. Trong những ngày này nếu lỡ xảy ra các triệu chứng về sức khỏe phải đi bác sĩ khám, mua thuốc theo toa chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý mua thuốc uống. Nhớ nói với bác sĩ không kê toa thuốc có hoạt chất an thần vì dễ gây buồn ngủ, ảnh hưởng rất lớn đến việc đi thi và làm bài thi.
7. Không tạo áp lực gây tâm lý căng thẳng. Hãy biết tự tạo niềm vui cho chính mình bằng cách không thức khuya, cần uống nhiều nước, dành thời gian giải trí như xem phim, nghe nhạc, chơi game, chat “tám” với bạn, đá banh… Lên cho mình một “set menu chữa lành” sau thi.
8. Khoảnh khắc thời gian này có rất nhiều cảm xúc, hãy trân quý và lưu lại. Đó có thể là một chữ ký, một lời chúc trên vạt áo, một bức hình thả tim cho nhau, một clip ngắn lớp chúng mình, một trải nghiệm đi học trễ, trốn tiết…
9. Hãy bình tĩnh khi phát hiện quên mang giấy báo dự thi, CCCD, thẻ học sinh. Cứ vào phòng thi rồi báo cho thầy cô coi thi biết. Thậm chí lỡ rớt mất hộp bút cứ vào phòng thi rồi sẽ được các bạn chia sẻ hoặc thầy cô coi thi hỗ trợ.
10. Mình không cần phải là hoa hồng, cẩm tú cầu, lily, quỳnh hoa… Dù có là một bông hoa dại, các em vẫn đẹp theo cách của riêng mình.
Tổng hợp và đồ họa: Hồng Quang