Cựu sinh viên nói gì về ngành Dược học

NTTU – Cùng với nhu cầu bảo vệ và chăm sóc sức khỏe của con người ngày càng tăng cao, nhất là trong thời điểm đại dịch Covid 19 diễn biến phức tạp. Ngành dược đã và đang là một trong những ngành học được nhiều thí sinh và phụ huynh quan tâm hơn cả. Vậy học dược có khó không và sau khi ra trường, sinh viên ngành dược sẽ đảm nhận những vai trò gì trong xã hội? Mời các bạn hãy cùng tìm hiểu nhé!

Học dược có khó không?

Khi bước chân vào hành trình 5 năm mang tên “Dược khoa”, hẳn ai cũng vui sướng và hạnh phúc khi đỗ vào ngành dược – ngành học mà nhiều người ao ước và coi trọng vì “nhất y, nhì dược”. Nhưng niềm vui sướng ấy chẳng được bao lâu, thay vào đó là nỗi “ám ảnh” với các môn đại cương như là một bài kiểm tra lại kiến thức tổng hợp về hóa, sinh, lý… của 12 năm đèn sách trước kia. Tiếp sau khoảng thời gian theo học các môn đại cương, sinh viên ngành dược chúng em lại được tiếp tục làm quen với các môn cơ sở ngành và môn chuyên ngành như: dược liệu, dược lý, hóa dược, bào chế, quản lý dược, dược lâm sàng…Khi mùa thi đến, những đôi mắt quầng thâm xuất hiện, đêm đêm ôn bài để sớm mai thi cử, chiều giảng đường lý thuyết tối lại việc làm thêm. Đó là những tháng ngày tuổi trẻ mà mỗi sinh viên dược khoa sẽ chẳng bao giờ quên. Thực tế sau khi đã trải qua 5 năm, mỗi sinh viên ngàng dược đều có thể nhận định được, học Dược không hề khó, chỉ cần có sự siêng năng, tỉ mỉ, cẩn trọng, ngăn nắp cùng với một nhóm bạn đầy sự nhiệt huyết của tuổi trẻ và những thầy cô nhiệt tình chỉ dạy. Chắc chắn 5 năm ấy sẽ trở nên thật đẹp.

Cơ hội nào cho các dược sĩ vừa tốt nghiệp?

Hoàn thành xong 5 năm học dược ròng rã với biết bao vui buồn của tuổi trẻ. Ai cũng có những hoài bão, những định hướng riêng cho bản thân và cũng có những bạn chưa có một định hướng cụ thể sau khi ra trường. Nhưng các bạn thay vì lo lắng, vô định, các bạn hãy xem lại bản thân mình đang thiếu sót những gì và trao dồi những cái đó, biết đâu khi bạn trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình thì sẽ có nhiều cơ hội đến với bạn.

Ngành Dược học trong thời buổi công nghệ 4.0 hiện nay đang ngày càng được đào sâu và phát triển ở nhiều lĩnh vực. Sau khi ra trường, các bạn có thể làm việc tại các công ty, bệnh viện, nhà thuốc, cơ quan nhà nước, trung tâm nghiên cứu, tự mở kinh doanh nhà thuốc riêng thậm chí là nghiên cứu, nuôi trồng dược liệu.

Đối với công ty dược thì có các loại hình công ty như:

  • Công ty sản xuất dược phẩm
  • Công ty phân phối dược phẩm
  • Công ty logistics dược,…

Tùy vào tính chất của mỗi công ty mà các bạn có thể làm việc tại các vị trí như: R&D, đăng ký thuốc, kho GDP, trình dược viên, pháp chế dược, QC-QA, thầu, marketing dược.

Đối với bệnh viện, bạn có thể làm nhiều vị trí tại kho dược như:

  • Dược sĩ lâm sàng
  • Quản lý kho dược
  • Pha chế thuốc
  • Dược sĩ nhà thuốc bệnh viện

Nếu bạn hứng thú với cơ quan Nhà nước thì bạn có thể làm việc tại Cục Quản lý dược. Tại đây, dược sĩ có thể làm việc tại các phòng như: phòng đăng ký thuốc, phòng quản lý giá thuốc, phòng quản lý chất lượng thuốc, phòng kinh doanh dược, phòng pháp chế thanh tra.

Ngoài ra, sau khi tốt nghiệp, bạn có thể học chuyên sâu lên để làm giảng viên tại các trường có khoa Dược. Bên cạnh giảng dạy, chúng ta có thể thực hiện các đề tài nghiên cứu, hướng dẫn hỗ trợ các bạn sinh viên nghiên cứu. Bên cạnh đó, chúng ta có thể làm việc tại nhà thuốc, quầy thuốc tư nhân hoặc là tự mở nhà thuốc luôn nếu đủ bằng dược sĩ và chứng chỉ hành nghề. Về mảng dược liệu, chúng ta có thể nghiên cứu, nuôi trồng dược liệu có các hoạt chất có thể trị bệnh, điều này cũng đóng góp một phần không nhỏ cho ngành dược.

Cơ hội làm việc ở ngành Dược ngày nay rất nhiều và rộng mở cho các bạn dược sĩ mới ra trường. Kéo theo sức cạnh tranh của ngành cũng tăng cao. Do đó, chúng ta – những dược sĩ tương lai cũng như những bạn vừa mới ra trường hãy chuẩn bị cho mình thật kỹ một “balo hành trình” vững chắc về cả chuyên môn, kỹ năng và thái độ để có được một công việc phù hợp, giúp ích được cho bản thân, gia đình và xã hội.

 Cựu sinh viên – Monitor – Bộ môn Dược lý

Call Now