Theo Tổ chức Y tế Thế giới, ung thư cổ tử cung là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho phụ nữ, chiếm 12% trong các bệnh ung thư ở nữ giới và 85% trường hợp xảy ra ở các nước đang phát triển. Năm 2018, có 570.000 trường hợp ung thư mới được chẩn đoán và 266.000 phụ nữ tử vong. Theo thống kê của HPV Information Center, tại Việt Nam, năm 2020 có 4.132 ca mới mắc và 2.223 ca tử vong. Có một số lý do dẫn đến tỉ lệ mắc bệnh ung thư cổ tử cung cao ở những nước đang phát triển trong đó lý do nhiều nhất thuộc về điều kiện y tế yếu kém: ý thức phòng bệnh ung thư cổ tử cung ở phụ nữ còn hạn chế nên số phụ nữ tham gia khám phụ khoa định kỳ để được tầm soát ung thư còn thấp; các chương trình tầm soát cũng chưa được bao phủ rộng, dẫn đến việc chẩn đoán và điều trị sớm các tổn thương tiền xâm lấn là rất khó khăn..
Ung thư cổ tử cung là gì?
So sánh giữa cổ tử cung bình thường và cổ tử cung bị ung thư
Cổ tử cung là một phần thuộc tử cung, nơi nối tiếp của âm đạo với tử cung, được bao phủ một lớp mô mỏng gồm nhiều tế bào.
Ung thư bắt đầu khi các tế bào lót ở cổ tử cung phát triển không kiểm soát và lấn át các tế bào thường, tạo thành khối u trong cổ tử cung. Có nhiều loại ung thư cổ tử cung khác nhau, nhưng loại thường gặp nhất là ung thư biểu mô tế bào vảy (SCC). Loại ung thư này chiếm khoảng 80–85% tổng số các trường hợp ung thư cổ tử cung và thường xảy ra do nhiễm vi-rút gây u nhú ở người (HPV).
Nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung
Bệnh ung thư cổ tử cung bắt đầu với những thay đổi bất thường ở tế bào cổ tử cung, thường phát triển âm ỉ trong thời gian dài (khoảng vài năm), và hầu hết do nhiễm virus HPV (Human Papillomavirus). Nhiều chủng HPV có nguy cơ cao gây các loại ung thư các bộ phận sinh dục như ung thư cổ tử cung, ung thư hậu môn, ung thư âm hộ, ung thư dương vật, mụn cóc sinh dục.
Nhiễm HPV là nguyên nhân phổ biến nhất gây ung thư cổ tử cung. Do loại vi-rút này có thể lây qua đường tình dục nên những phụ nữ có nhiều bạn tình, hoặc bạn tình của họ có nhiều bạn tình khác sẽ có khả năng lây nhiễm cao hơn. Những lứa tuổi dễ mắc ung thư cổ tử cung là phụ nữ từ 35 đến 44 tuổi đang trong thời kỳ sinh sản. Nhưng điều đáng lo ngại hiện nay là nhóm phụ nữ có nguy cơ cao nhất lại là những phụ nữ trẻ bắt đầu quan hệ tình dục mà không sử dụng các biện pháp bảo vệ hoặc biện pháp tránh thai (bao gồm nhóm sinh viên nữ). Ngoài ra, nếu có thói quen hút thuốc lá, hoặc gia đình có người thân từng bị ung thư cổ tử cung, hoặc bị mắc một số bệnh lây truyền qua đường tình dục như Chlamydia, hệ thống miễn dịch suy yếu… cũng là các yếu tố có nguy cơ cao.
Các dấu hiệu và triệu chứng
Rất khó phát hiện ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm vì có thể không có triệu chứng. Phần lớn người bệnh đến khám và điều trị khi bệnh đã ở giai đoạn muộn. Thông thường thời gian ủ bệnh của các loại ung thư là khá lâu, trung bình khoảng 10 năm. Trong thời gian này, những triệu chứng thường không rõ ràng nên rất khó phát hiện.
Những dấu hiệu cảnh báo bệnh ung thư cổ tử cung
Các biến chứng của ung thư cổ tử cung
Vô sinh: Các khối u xâm lấn và tác động đến cổ tử cung – nơi tinh trùng và trứng gặp nhau. Trong một số trường hợp, để điều trị dứt điểm bệnh, đảm bảo tính mạng người bệnh đòi hỏi phải cắt toàn bộ tử cung và buồng trứng, điều này đồng nghĩa với việc phụ nữ mất đi thiên chức làm mẹ và việc cắt buồng trứng có thể khiến quá trình mãn kinh diễn ra sớm hơn. Ngoài ra còn có thể gây chảy máu bất thường do các khối u xâm lấn vào âm đạo, gây suy thận trong một số trường hợp khối u chèn ép vào niệu quản.
Khi ở giai đoạn cuối thì có hơn 90% bệnh nhân ngoài việc bị ảnh hưởng trực tiếp đến thời gian sống thì còn bị ảnh hưởng bởi những cảm giác đau đớn, suy sụp về cơ thể, suy sụp về tinh thần, sợ chết, sợ bệnh viện, lo lắng về gia đình, về công việc…
Cách phòng ngừa ung thư cổ tử cung
– Khám phụ khoa định kì 6 tháng/lần để phát hiện sớm các bệnh phụ nữ thường gặp.
– Tiêm vắc-xin HPV phòng ngừa ung thư cổ tử cung để ngăn ngừa nhiễm các chủng vi-rút HPV gây ung thư phổ biến nhất, giúp chống lại các chủng HPV gây ra tới 85% tổng số ca ung thư cổ tử cung. Nhưng loại vắc-xin này chỉ phát huy tác dụng nếu được cho dùng trước khi nhiễm vi-rút nên đối tượng của vắc-xin HPV là phụ nữ trẻ tuổi. Tuy nhiên, loại vắc-xin này chỉ phòng ngừa được một số tuýp HPV có nguy cơ cao, do vậy phụ nữ được khuyên nên thực hiện xét nghiệm phết cổ tử cung định kỳ ngay cả sau khi đã chủng ngừa.
Tầm soát ung thư cổ tử cung
Xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung nhằm tìm những tế bào bị biến đổi bất thường ở cổ tử cung vì chúng có thể phát triển thành ung thư.
Thông thường, khi tế bào cổ tử cung biến đổi bất thường sẽ mất từ 3 đến 7 năm để phát triển thành ung thư. Do đó, xét nghiệm tầm soát có thể phát hiện sớm sự biến đổi này trước khi nó trở thành ung thư. Những phụ nữ có tế bào cổ tử cung biến đổi nhẹ có thể được theo dõi cho đến khi trở về bình thường. Trường hợp biến đổi nặng sẽ được điều trị cắt bỏ vùng tổn thương. Xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung bao gồm Pap smear và xét nghiệm HPV, cả 2 xét nghiệm này đều được thực hiện trên tế bào cổ tử cung. Quá trình thực hiện các xét nghiệm này khá nhanh và đơn giản.
Phụ nữ nên bắt đầu tầm soát lúc 21 tuổi. Không tầm soát nếu dưới 21 tuổi, không kể tuổi bắt đầu quan hệ tình dục.
Từ 21 đến 29 tuổi thực hiện Pap smear mỗi 3 năm. Không xét nghiệm HPV ở phụ nữ 21-29 tuổi vì tần suất nhiễm chủng HPV sinh ung ở tuổi này khoảng 20%, hầu hết trường hợp HPV sẽ biến mất mà không cần can thiệp. Phát hiện nhiễm HPV sẽ gây ra lo lắng, tốn chi phí tái khám và xử trí không cần thiết. Phụ nữ tuổi 30 đến 64 nên thực hiện bộ đôi xét nghiệm (Pap smear và HPV) mỗi 5 năm, hoặc có thể Pap smear mỗi 3 năm.
Cơ hội sống sót khi mắc ung thư cổ tử cung là như thế nào?
Nếu được phát hiện sớm, cơ hội sống sót khi mắc ung thư cổ tử cung có thể lên đến 92%. Vì vậy việc tầm soát phát hiện sớm ung thư cổ tử cung có vai trò vô cùng quan trọng sẽ giúp cho quá trình điều trị đạt hiệu quả tối đa.
Tỉ lệ sống 5 năm của bệnh ung thư cổ tử cung
Viết và tổng hợp: ThS. Lê Hải Đường
DS. Trương Thị Thu Thảo