Vì sao ta mau quên các từ vựng tiếng Anh đã học thuộc?

NTTU – Có một vốn từ vựng phong phú là ước mơ của tất cả người học tiếng Anh. Tuy nhiên, không phải ai học tiếng Anh cũng biết cách học từ vựng sao cho hiệu quả. Một tình trạng thường hay gặp phải khi học từ vựng là học rồi lại quên, và học mà không sử dụng được, nhất là khi gặp các từ chuyên ngành vừa dài vừa khó phát âm. Vậy tình trạng này xảy ra là do đâu, và biện pháp khắc phục là gì?

Một phương pháp học từ vựng sai lầm khá phổ biến là “học vẹt” từ một cách rời rạc mà không đặt chúng trong ngữ cảnh (context). Ngữ cảnh là bối cảnh ngôn ngữ mà trong đó một từ ngữ nào đó được sử dụng, bao gồm nhân vật giao tiếp, tình huống giao tiếp, nội dung giao tiếp… Khi chúng ta học một từ mới nào đó, thông tin về từ mới đó sẽ được thu vào bộ nhớ ngắn hạn. Muốn nhớ từ lâu thì những thông tin đó cần được đưa vào bộ nhớ dài hạn, bằng cách liên kết từ đó với một ngữ cảnh cụ thể nào đó, bởi vì bộ nhớ dài hạn được tạo thành dựa trên các mối liên kết giữa thông tin mới với thông tin cũ. Liên kết càng nhiều, càng mạnh thì kiến thức càng khắc sâu. Học từ vựng gắn liền với ngữ cảnh hay nói cách khác học từ theo cụm và câu sẽ cung cấp cho ta những thông tin về từ một cách toàn diện và sâu sắc hơn, khiến não bộ tạo ra nhiều liên kết hơn, từ đó ta có thể dễ dàng nhớ lại nghĩa và cách sử dụng từ đó từ những thông tin này.

Lấy ví dụ bạn bắt gặp từ mới cardiologist (bác sĩ tim mạch) khi đọc sách. Câu văn chứa từ mới là “A great cardiologist treated me after my heart attack.” Nếu bạn học từ kèm theo cả câu ví dụ này, bạn sẽ nhớ được từ cardiologist lâu hơn, vì khi bạn gặp lại từ này một lần nữa, não bộ sẽ tự động gợi ra ngữ cảnh liên quan “treated me after my heart attack” (điều trị cho tôi sau khi tôi bị đau tim), từ đó cung cấp cho bạn các thông tin về từ này (một danh từ chỉ người chuyên điều trị bệnh tim mạch) để bạn có thể nhớ lại được nghĩa từ.

Học từ vựng theo ngữ cảnh còn giúp người học học được luôn cách vận dụng từ đó trong giao tiếp. Giao tiếp đòi hỏi bạn không chỉ biết nghĩa từ mà còn phải biết cách lựa chọn, kết hợp các từ đó theo một trật tự nhất định, sử dụng đúng cấu trúc ngữ pháp để truyền đạt được nội dung giao tiếp. Việc học từ vựng một cách rời rạc không theo ngữ cảnh có thể dẫn đến việc không biết cách vận dụng hoặc vận dụng sai.

Ví dụ, khi bạn học câu “Wearing a patch may create problems for people with skin allergies”, bạn không chỉ học nghĩa của từ patch (miếng dán) mà còn học luôn cả nghĩa của từ allergies (chứng dị ứng). Ngoài ra, bạn còn nắm được động từ diễn tả hành động sử dụng miếng dán là wear, và cấu trúc ngữ pháp động từ thêm “-ing” có thể được sử dụng làm chủ ngữ của câu. Những bạn chỉ học nghĩa từ patch riêng lẻ không kèm theo ví dụ có thể sẽ gặp khó khăn khi lựa chọn động từ đi chung với patch hoặc lựa chọn sai động từ.

Một lý do khác khiến chúng ta dễ quên những từ đã học là không ôn tập và vận dụng thường xuyên. Theo lý thuyết Đường cong lãng quên của Ebbinghaus, khả năng lưu trữ trí nhớ của não bộ sẽ giảm dần theo thời gian. Có nghĩa là, chúng ta sẽ quên dần những kiến thức đã học nếu không chủ động ôn lại. Khả năng ghi nhớ giảm mạnh nhất ngay sau khi học. Vì lẽ đó, muốn nhớ từ vựng lâu chúng ta cần thường xuyên ôn tập lại các từ đã học bằng cách vận dụng chúng trong ngữ cảnh. Cách vận dụng hiệu quả nhất là ưu tiên sử dụng từ mới trong các tình huống giao tiếp hàng ngày. Phương pháp này không chỉ giúp bạn nhớ được từ vựng mà còn giúp bạn rèn luyện kĩ năng giao tiếp chính xác và trôi chảy hơn.

Tóm lại, để khắc phục được tình trạng mau quên từ vựng, chúng ta cần tránh học từ một cách rời rạc. Thay vào đó, ưu tiên học từ theo cụm, câu. Ngoài ra, cần thường xuyên ôn tập lại các từ đã học, tích cực vận dụng trong giao tiếp hàng ngày. Bằng cách đó, bạn sẽ dần dần cải thiện được vốn từ và kỹ năng giao tiếp của mình.

Bài: Phan Thanh Thủy (K. Dược)

Call Now