Xu hướng nghiên cứu khoa học của bộ môn Hóa dược

Ngày nay, xu hướng sử dụng thuốc có nguồn gốc từ thực vật để điều trị bệnh đang được ưa chuộng trên thế giới. Dược điển các nước khu vực châu Á như Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản đều có các chuyên luận về dược liệu. Một số chuyên luận dược liệu cũng đã được đưa vào Dược điển Mĩ, châu Âu… Theo ước tính, 70% dân số toàn cầu vẫn sử dụng thuốc từ dược liệu trong chăm sóc sức khỏe ban đầu tại cộng đồng

Sự phát triển nhanh chóng các hợp chất tự nhiên là do xu hướng của các nước phương Tây nhằm tăng cường tự điều trị và sự nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò của thuốc từ dược liệu trong điều trị các bệnh mạn tính, bệnh thông thường.

Việt Nam nói riêng và phương đông nói chung có được sự ưu đãi từ thiên nhiên. Có hệ thực vật phát triển phong phú và đa dạng với hàng nghìn loại được phát hiện và nghiên cứu trong lâm sàng đã tìm ra những kết quả khả quan trong việc điều trị một số bệnh lý và một số mặt hàng đông dược xuất khẩu có uy tín ở thị trường nước ngoài như hoa hòe, quế, sa nhân, dừa cạn, các loại tinh dầu hồi, quế, tràm…

Trong hệ thống y học hiện đại, các hợp chất tự nhiên như saponin, tannin, alkaloid, flavonoid, sesquiterpen lacton, terpenoid và nhiều loại khác cũng đã chứng tỏ khả năng chữa trị những bệnh khác nhau. Những kỹ thuật hiện đại cho phép phân lập, phân tích chính xác cấu trúc phân tử, xác định rõ vai trò của hợp chất tự nhiên trong tham gia điều hòa các hoạt động của tế bào của cơ thể người, vì thế hợp chất tự nhiên ngày càng được chú trọng và được thương mại hóa thành nhiều loại dược phẩm khác nhau.

“Ứng dụng hợp chất thiên nhiên trong thực phẩm chăm sóc, bảo vệ sức khỏe” là nội dung được chuyên gia tư vấn cho doanh nghiệp ứng dụng vào sản xuất tại Chợ công nghệ và thiết bị chuyên ngành (Techmart) Công nghệ sinh học trực tuyến 2021.

Không nằm ngoài xu hướng nghiên cứu đó, trong năm nay bộ môn Hóa dược tập trung nghiên cứu về các đề tài đi từ hợp chất tự nhiên: Tổng hợp một số dẫn chất của eugenol với mục tiêu nghiên cứu tổng hợp một số dẫn chất từ eugenol và thử nghiệm một số hoạt tính sinh học của các dẫn xuất này như: chống oxy hóa, kháng khuẩn. Khảo sát hoạt tính kháng viêm in vitro của cây É trắng (Ocimum basilicum var. Pilosum Lamiaceae) với mục tiêu đánh giá hoạt tính kháng viêm in vitro của cao chiết và tính dầu É trắng. Nghiên cứu công thức dầu gội đầu chứa cao chiết nước lá Trầu không với mục tiêu tạo ra sản phẩm dầu gội đầu chứa dịch chiết nước lá Trầu không có tác dụng giảm ngứa, ngăn ngừa gàu. Phân lập và thử hoạt tính sinh học từ cao Mạn kinh (Vitex rotundifolia L.f) được chiết từ dung môi Ethanol 96% với mục tiêu phân lập được hoạt chất thử hoạt tính sinh học của cao chiết. Khảo sát hoạt tính chống oxy hóa của cây Tầm bóp (Physalis angulat L) với mục tiêu xây dựng quy trình chiết anthocyanin từ cây Tầm bóp và đánh giá hoạt tính chống oxy hóa của anthocyanin trong dịch chiết.

Trong tương lai bộ môn Hóa dược tập trung vào các hướng nghiên cứu về phân lập và xác định cấu trúc các hợp chất có hoạt tính sinh học nguồn gốc từ thiên nhiên như dược liệu, sinh vật biển và động vật; phát hiện và phát triển thuốc mới; phân lập các chất đánh dấu để phục vụ công tác tiêu chuẩn hóa dược liệu; bán tổng hợp và xác định mối quan hệ hoạt tính cấu trúc của các hợp chất có hoạt tính sinh học; sàng lọc mẫu cao chiết/hợp chất có các hoạt tính sinh học, bao gồm: hoạt tính gây độc tế bào ung thư, kháng oxi hóa, kháng viêm, ức chế các enzym; phát triển các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên định hướng ứng dụng trong y dược, thực phẩm, mỹ phẩm …

ThS Đỗ Bích Ngọc

Call Now