Việt Nam được xếp vào nhóm những nước có ngành Dược mới nổi (Pharmerging- theo phân loại của tổ chức IQVIA Institute) và là thị trường dược phẩm lớn thứ hai tại Đông Nam Á, nằm trong 17 nước có ngành công nghiệp dược đang phát triển. Theo số liệu mới nhất từ Liên Hợp Quốc năm 2021, dân số hiện tại của Việt Nam là 98.500.596 người so với 94.444.200 người năm 2016. Việc gia tăng dân số tương đối này cũng đóng vai trò thúc đẩy chi tiêu cho ngành dược phẩm. Xu hướng phát triển của ngành Dược trong những năm tới vẫn sẽ tiếp tục có những bước chuyển tích cực. Một mặt nhằm đáp ứng nhu cầu dược phẩm nói riêng ngày càng tăng, một mặt góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế, xã hội Việt Nam nói chung.
- Một số phân tích cơ bản về tốc độ tăng trưởng của thị trường dược phẩm Việt Nam
Theo IQVIA, giá trị thị trường dược phẩm Việt Nam đạt 103.912 tỷ đồng, đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm 6% trong giai đoan 2018-2020. Hệ thống sản xuất, kinh doanh dược phẩm được mở rộng với khoảng 250 nhà máy sản xuất, 200 cơ sở xuất nhập khẩu, 4.300 cơ sở bán buôn và hơn 62.000 cơ sở bán lẻ.
Lũy kế 8 tháng năm 2021, theo SSI Research tổng doanh thu dược phẩm tại Việt Nam giảm 11% so với cùng kỳ.
Hình 1: Giá trị ngành dược Việt Nam (nghìn tỷ đồng)
Nguồn: Báo cáo BMI, SSI Research
Hình 2: Ước tính doanh thu dược phẩm của Việt Nam
Với cơ cấu dân số trẻ đang có tốc độ già hóa nhanh (World Bank cảnh báo, Việt Nam đang trải qua giai đoạn tốc độ già hóa dân số nhanh nhất từ trước tới nay, tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên là 6,5% vào năm 2017, dự kiến sẽ đạt 21% vào năm 2050). Mặt khác do thu nhập bình quân đầu người và trình độ dân trí được cải thiện, trong khi môi trường ngày càng có nguy cơ ô nhiễm cao nên mức độ chi trả cho các dịch vụ y tế có xu hướng tăng lên, những điều này cũng sẽ là động lực cho ngành Dược tiếp tục tăng trưởng.
- Xu hướng phát triển
Thực tế vài năm trở lại đây, mô hình bán lẻ chuỗi nhà thuốc tại Việt Nam đang được hình thành và phát triển mạnh mẽ. Từ một vài hệ thống bán lẻ và chỉ sau vài năm con số mô hình hệ thống chuỗi nhà thuốc bán lẻ đã tăng lên hàng chục. Ngoài phương thức bán hàng truyền thống, có những hệ thống chuỗi nhà thuốc còn kết hợp cả phương thức bán hàng online. Những công ty Dược phẩm hay hệ thống chuỗi nhà thuốc đó đang đáp ứng thói quen mua sắm quan tâm nhiều hơn đến chất lượng, xuất xứ sản phẩm cũng như tiện ích của người dân. Nhờ những điều đó đã thúc đẩy sự chuyển dịch của thị trường dược phẩm càng phong phú đa dạng và tăng trưởng hơn.
Nhận thấy sự tăng trưởng của ngành Dược trong lĩnh vực bán lẻ. Một số doanh nghiệp lớn đã lấn sân sang thị trường dược phẩm như FPT Retail, Thế giới Di động,… Bên cạnh đó, các doanh nghiệp dược cũng tích cực đầu tư mở rộng cơ sở phân phối thuốc.
Các chuỗi nhà thuốc lớn hiện nay phải nhắc đến Pharmacity. Hiện nay Pharmacity đã có hệ thống nhà thuốc rải khắp các quận tại TP.HCM và nhiều tỉnh, thành phố lớn Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thừa Thiên Huế,.…mục tiêu năm 2021 đạt được 1.000 cửa hàng bán lẻ tại Việt Nam.
Cùng với Pharmacity, Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT đã công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021 với doanh thu chuỗi Nhà thuốc Long Châu đạt 1.336 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2020 và đã nâng số lượng cửa hàng đang hoạt động lên 268 cửa hàng.
Chuỗi nhà thuốc An Khang, công ty liên kết của Công ty cổ phần Thế giới di động đang ghi nhận tốc độ tăng trưởng mạnh về doanh thu. Tính tới cuối tháng 7, hệ thống nhà thuốc này đã đạt con số 118 cửa hàng. Doanh thu tháng 7 tăng gấp 7 lần cùng kỳ năm ngoái.
Thêm nữa phải kể đến các hệ thống chuỗi nhà thuốc Mỹ Châu, Eco, Phano,… cũng đang phủ sóng rất nhiều cửa hàng tại TP.HCM.
Lê Hải Đường,
Trương Thị Thu Thảo