NTTU – Bài viết này nhằm mục đích cung cấp một số thông tin chung cho mọi người theo hướng dẫn của trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai về cách chăm sóc “Hậu Covid-19” để hồi phục sức khoẻ cho người bệnh.
Sau khi chữa Covid-19 xong, cơ thể của người mắc bệnh sẽ chuyển biến tốt hơn trong vài tuần kế tiếp. Đa số người mắc bệnh Covid-19 sẽ không để lại di chứng gì nghiêm trọng sau khi đã chữa lành bệnh. Nhưng tuỳ theo người bệnh mà Covid-19 sẽ để lại các biến chứng với mức độ khác nhau, từ nhẹ đến nặng. Trước hết, ta phải biết thế nào là hội chứng hậu Covid-19? Gồm các biến chứng nào? Cách chăm sóc sức khoẻ người bệnh bị hội chứng hậu Covid-19 như thế nào cho đúng?
Thế nào là hội chứng hậu Covid-19
Vào đầu tháng 10/2021, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố định nghĩa chính thức đầu tiên về hội chứng hậu Covid-19 (post Covid-19 condition). Theo đó, tình trạng hậu Covid-19 xảy ra ở những người có tiền sử nhiễm SARS-CoV-2, thường là 3 tháng kể từ khi bắt đầu mắc Covid-19 với các triệu chứng và kéo dài ít nhất 2 tháng mà không thể giải thích bằng chẩn đoán thay thế.
Tình trạng này có thể khiến sức khỏe người bệnh bị suy giảm kéo dài, có tác động nghiêm trọng đến khả năng quay trở lại làm việc hoặc tham gia cuộc sống xã hội của người bị mắc Covid-19. Họ bị ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và có thể gây ra những hậu quả kinh tế đáng kể cho bản thân, cho gia đình và cho xã hội.
Các biến chứng gồm hậu Covid-19
Khó thở, hụt hơi, mệt mỏi, chóng mặt hay choáng váng khi đứng dậy, đau tức ngực, hồi hộp, tim đập nhanh, đánh trống ngực, ho, đau, sốt , thay đổi khứu giác, vị giác, ù tai, đau tai, buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng, thay đổi chu kỳ kinh nguyệt, khó nghĩ hay tập trung, phát ban, cảm giác râm ran.
Một số người khỏi bệnh sau khi mắc Covid-19 nghiêm trọng có thể gặp phải các ảnh hưởng xấu tới đa cơ quan hoặc bệnh tự miễn dịch trong một thời gian dài kèm theo các triệu chứng kéo dài nhiều tuần hoặc nhiều tháng.
Cách chăm sóc sức khoẻ người bệnh bị hội chứng hậu Covid-19
Sau khi khỏi bệnh Covid-19, người bệnh cần xây dựng cho bản thân mình một chế độ tập luyện thể thao hợp lý, duy trì ăn uống một cách khoa học và sinh hoạt một cách đều đặn. Ví dụ: Ngủ nhiều vào ban đêm, hạn chế ngủ nhiều vào ban ngày để làm những công việc giúp cho việc phục hồi sức khoẻ ( tập thể dục dưỡng sinh, đi bộ….).
Ngoài tập luyện thể lực ra, người sau khi khỏi bệnh phải tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, ít nhất là 30 phút/ ngày, tốt nhất là buổi sáng và nên duy trì một cách đều đặn.
Cần chú ý tập thở (hít vào, thở ra chậm, hít sâu dần dần và thở ra nhẹ nhàng không vội vã và nhịp độ tăng lên từng ngày).
Thở mím môi (chúm môi)
Thở mím môi sẽ nhận được nhiều oxy vào phổi hơn so với thở bình thường; giúp đường thở mở lâu hơn bằng cách giảm số lần thở mỗi phút.
Thực hiện theo các bước:
– Thư giãn ở tư thế ngồi, thả lỏng cổ, vai…
– Hít vào từ từ bằng mũi và ngậm miệng lại (mũi sẽ làm ấm và làm ẩm không khí trước khi đến phổi. Thở vào bằng miệng không làm được điều này.)
– Thở ra bằng miệng chậm, sao cho thời gian thở ra gấp đôi thời gian hít vào. Ví dụ: hít vào đếm 1-2, thở ra đếm 1-2-3-4. Trước khi thở ra, hãy mím môi lại như thể bạn đang huýt sáo, thổi nến, rồi thở hết không khí ở trong phổi ra từ từ.
– Cố gắng
– Lặp lại vài lần.
Thở cơ hoành (thở bụng)
Có thể thực hiện bài tập này khi ngồi hoặc nằm:
– Thư giãn cơ mặt, cổ, hàm và vai.
– Đặt đầu lưỡi của bạn sau răng cửa trên.
– Giữ thẳng lưng và nhắm mắt lại.
– Hít thở bình thường trong vài phút.
– Đặt một tay lên ngực và một tay ở bụng dưới.
– Hít thở sâu bằng mũi, cảm thấy lồng ngực và xương sườn nở ra khi hít vào. Bụng phình ra.
– Thở ra, bụng nhẹ nhàng hóp lại.
– Hít thở chậm và sâu theo cách này từ 9 đến 10 lần.
Bên cạnh đó chúng ta có những bài tập thể dục nhẹ nhàng nhưng vô cùng hữu ích như:
Bài tập dành cho chân như đi bộ, bước lên bục, gập hông và gập gối ở tư thế ngồi, ngồi duỗi thẳng gối, gập duỗi cổ chân, xoay cổ chân, gập duỗi gối, nâng hạ chân, tạo vòm bàn chân, gập duỗi ngón chân, bắc cầu, dang chân ở tư thế nằm nghiêng…
Bài tập dành cho tay gồm xoay vai, giơ cao hai tay, gập khuỷu với vật nặng; ấn vai xuống giường hoặc nền, dang ngang vai 90 độ với vật nặng, giơ hai tay lên cao với vật nặng; gập khuỷu khi hai tay dang ngang.
Bài tập kết hợp chân và thân mình có các động tác như đứng nhón gót chân hai tay vịn vào ghế, đứng nhón mũi chân hai tay vịn vào ghế, squat, squat tay có cầm vật nặng vừa sức, chuyển từ tư thế đứng sang ngồi và ngược lại.
Trong quá trình đều trị, yếu tố quan trọng góp phần cho việc mau hồi phục đó là yếu tố tâm lý của người bệnh. Nếu tâm lý vui vẻ, lạc quan thì người bệnh sẽ rất mau hồi phục và ngược lại. Nên trong qúa trình phục hồi cần những người thân trong gia đình luôn quan tâm, chăm sóc, động viên để mau hồi phục.
Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng cũng góp phần trong việc phục hồi. Bổ sung chất dinh dưỡng, bổ sung ka li cho cơ thể tránh tình trạng thiếu do tổn hại của bệnh Covid-19. Người bệnh nên ăn nhiều rau, uống đủ lượng nước hàng ngày, ngoài ra nên uống thêm nước ép trái cây, uống thêm sữa (nếu người có bệnh đái đường nên uống loại sữa không đường, không ăn các loại bánh kẹo, nước giải khát có đường). Để bổ sung các loại vi chất do tổn hại của bệnh Covid-19 nên ăn các loại thực phẩm có nhiều vi chất như tôm, cua, cá.
Hiện nay người bị hội chứng hậu Covid-19 ngày càng nhiều, chúng ta cần tìm hiểu những phương pháp phục hồi sức khỏe, tăng cường sức đề kháng và nâng cao hệ miễn dịch để có được một cơ thể khỏe mạnh,
Tổng hợp bài viết
Ds. Đoàn Phú Quý