NTTU – Thực tế, trên thị trường hiện nay có nhiều sản phẩm Thực phẩm chức năng được quảng cáo như thuốc chữa bệnh và đặc biệt còn có những hiệu quả, tác dụng vượt trội hơn cả thuốc. Nhiều trường hợp đã gây ra sự nhầm lẫn cho người tiêu dùng, dẫn đến lạm dụng trong thời gian dài và gây ra hậu quả không mong muốn. Chính vì vậy, việc nhận biết một sản phẩm là thuốc hay là thực phẩm chức năng/ thực phẩm bảo vệ sức khoẻ giúp cho người tiêu dùng sử dụng đúng cách đem lại hiệu quả, an toàn và tránh những hậu quả không mong muốn là điều cần thiết
1. Thuốc là gì?
Theo Luật Dược 2016 số 105/2016/QH13, thuốc là chế phẩm có chứa dược chất hoặc dược liệu dùng cho người nhằm mục đích phòng bệnh, chẩn đoán bệnh, chữa bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người bao gồm: thuốc hóa dược, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, vacxin và sinh phẩm.
Số đăng ký (SĐK) thuốc: SĐK thuốc là ký hiệu bao gồm các chữ và số được các đơn vị chức năng của Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược) quy định, cấp cho một thuốc hoặc sinh phẩm chẩn đoán để chứng nhận thuốc hoặc sinh phẩm đó đã được phép lưu hành ở Việt Nam. Số đăng ký là nội dung bắt buộc phải có trên nhãn thuốc.
Hình thức nhận biết SĐK:
Thành phần của SĐK thuốc gồm 3 nội dung:
V… – Số thứ tự được cấp – Năm cấp. Trong đó:
– Nội dung 1 gồm ký hiệu chữ: VN đối với thuốc nhập khẩu; VD, VS …. Đối với thuốc sản xuất trong nước.
– Nội dung 2 – Số thứ tự được cấp: là dãy số, có thể có 1 đến nhiều số, được cấp cho từng thuốc theo quy định của đơn vị quản lý
– Nội dung 3 – Năm cấp: quy định năm thuốc đó được cấp số đăng ký.
Hình ảnh minh họa số đăng ký
2. Thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khoẻ (TPCN)
a. Một số khái niệm theo quy định tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP:
Thực phẩm bảo vệ sức khỏe (Health Supplement, Dietary Supplement) là những sản phẩm được dùng để bổ sung thêm vào chế độ ăn uống hàng ngày nhằm duy trì, tăng cường, cải thiện các chức năng của cơ thể con người, giảm nguy cơ mắc bệnh. Thực phẩm bảo vệ sức khỏe chứa một hoặc nhiều chất hoặc hỗn hợp các chất sau:
– Vitamin, khoáng chất, axit amin, axit béo, enzyme, probiotic và chất có hoạt tính sinh học khác;
– Chất có nguồn gốc tự nhiên, bao gồm động vật, khoáng vật và thực vật dưới dạng chiết xuất, phân lập, cô đặc và chuyển hóa;
– Các nguồn tổng hợp của những thành phần đề cập ở trên.
Thực phẩm bảo vệ sức khỏe được trình bày ở dạng chế biến như viên nang, viên hoàn, viên nén, chế phẩm dạng cốm, bột, lỏng và các dạng bào chế khác và được phân liều (để sử dụng) thành các đơn vị liều nhỏ.
Thực phẩm dinh dưỡng y học còn gọi là thực phẩm dinh dưỡng dùng cho mục đích y tế đặc biệt (Food for Special Medical Purposes, Medical Food) là loại thực phẩm có thể ăn bằng đường miệng hoặc bằng ống xông, được chỉ định để điều chỉnh chế độ ăn của người bệnh và chỉ được sử dụng dưới sự giám sát của nhân viên y tế.
Thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt (Food for Special Dietary Uses) dùng cho người ăn kiêng, người già và các đối tượng đặc biệt khác theo quy định của Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (CODEX) là những thực phẩm được chế biến hoặc được phối trộn theo công thức đặc biệt nhằm đáp ứng các yêu cầu về chế độ ăn đặc thù theo thể trạng hoặc theo tình trạng bệnh lý và các rối loạn cụ thể của người sử dụng. Thành phần của thực phẩm này phải khác biệt rõ rệt với thành phần của những thực phẩm thông thường cùng bản chất, nếu có.
b. Hình thức nhận biết TPCN:
– Đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải có khuyến cáo “Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”;
– Thực phẩm dinh dưỡng y học phải ghi các cụm từ sau: “Thực phẩm dinh dưỡng y học” và “Sử dụng cho người bệnh với sự giám sát của nhân viên y tế”;
– Thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt phải ghi cụm từ: “Sản phẩm dinh dưỡng (cho đối tượng cụ thể)” trên mặt chính của nhãn để phân biệt với thực phẩm thông thường.
– Đối với số đăng ký được cấp bởi Cục an toàn thực phẩm số đăng ký được ghi ký hiệu tương ứng là: Số thứ tự / Năm cấp / ATTP-TNCB hoặc ĐKSP.
Hình ảnh minh họa số Đăng ký của TPCN
– Đối với số đăng ký trên giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm cấp bởi Cục an toàn thực phẩm Số đăng ký được ghi ký hiệu tương ứng:(số thứ tự)/(năm cấp)/ATTP-XNCB.
Ví dụ: Số đăng ký trên giấy là Số 18035/2019/ATTP-XNCB thì 18035 là số thứ tự, 2019 là năm cấp và ATTP-XNCB là An toàn thực phẩm – Xác nhận công bố
– Đối với số đăng ký công bố thực phẩm chức năng do Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, thành phố cấp số đăng ký được ghi kí hiệu tương ứng: (số thứ tự)/(năm cấp)/YT+Tên viết tắt tỉnh, thành phố-TNCB và (số thứ tự)(năm cấp)/YT+tên viết tắt tỉnh, thành phố-XNCB.
Ví dụ: Số 30/2018/YTBG-TNCB có nghĩa:30 là số thứ tự, 2018 là năm cấp, YTBG do Sở Y tế Bắc Giang cấp, TNCB nghĩa là Tiếp nhận công bố.
ThS. Huỳnh Thị Như Thúy
Tài liệu tham khảo
https://vsh.org.vn/phan-biet-thuoc-thuc-pham-chuc-nang-qua-so-dang-ky-so-cong-bo-ghi-tren-nhan.htm
Nghị định Số: 15/2018/NĐ-CP Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm ban hành ngày 02/02/2018.