Ứng dụng vật liệu sinh học trong giải quyết các mối nguy an toàn thực phẩm

Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization, WHO) đã khẳng định rằng bên cạnh chế độ dinh dưỡng, vấn đề an toàn thực phẩm là chìa khoá chính yếu để duy trì cuộc sống khoẻ mạnh.

Thực phẩm không an toàn (do nhiều nguyên nhân khác nhau như thành phần có chứa các loại hoá chất bảo quản độc hại hoặc sự xâm nhiễm của vi khuẩn, virus, ký sinh trùng) hoàn toàn có khả năng gây ra các phản ứng xấu đối với cơ thể con người như nôn ói, đau bụng, tiêu chảy, sốt, mệt mỏi, thậm chí là gây ung thư.

Chỉ số “Số năm sống điều chỉnh theo mức độ bệnh tật” (Disability Adjusted Life Years, DALYs) được WHO thống kê cũng đã cho thấy rằng mỗi năm có đến khoảng 600 triệu người mắc các chứng bệnh từ nhẹ đến nặng khi tiêu dùng các loại thực phẩm không an toàn, đẫn đến 420 nghìn ca tử vong và mất đi khoảng 33 triệu năm sống khoẻ mạnh trên toàn cầu. Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 11 tháng đầunăm 2022, cả nước xảy ra 46 vụ ngộ độc thực phẩm với 601 người bị ngộ độc, trong đó có 14 người đã tử vong.

Bên cạnh nỗ lực không ngừng của ngành y tế trong công tác tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định vàhướng dẫn cụ thể cho người dân chọn lọc và tiêu dùng thực phẩm an toàn, kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêmminh các vi phạm về an toàn thực phẩm, các nghiên cứu khoa học về vấn đề bảo quản lương thực thực phẩm an toàn cũng cần phải được chú trọng và thực hiện một cách nghiêm túc. Trong các nghiên cứu này, vật liệu sinh học có nguồn gốc tự nhiên, không gây độc cho cơ thể con người khi được ứng dụng với phương pháp và liều lượng thích hợp, là các đối tượng rất tiềm năng. Đơn cử có thể kế đến các hợp chất sinh học như acid citric, acid acetic, vitamin E, chitosan và fibroin. Gần đây, nhóm nghiên cứu tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM đã thực hiện phối trộn hai loại vật liệu sinh học chitosan (có nguồn gốc từ vỏ các loài giáp xác hoặc nấm men) và fibroin (có nguồn gốc từ tơ tằm) với phương pháp và hàm lượng thích hợp để bảo quản các loại rau củ quả sau thu hoạch. Ngoài tác dụng kéo dài thời gian lưu trữ, bảo quản của các loại rau củ quả, hai loại vật liệu sinh học này cũng đã được chứng minh là có thể ăn được (edible), không gây độc cho cơ thể con người và có khả năng ngăn cản sự xâm nhiễm của các loại vi sinh vật thường tồn tại trong môi trường lưu trữ, bảo quản rau củ quả.

Nguồn gốc của fibroin (Aqdas Noreen và cộng sự, 2020)

ThS. Lê Thị Thanh Lan

Tài liệu tham khảo:

Tiếng Việt:

Lê Việt Hoàng, Đoàn Nguyên Vũ, Trần Lê Bảo Hà (2019). Nghiên cứu chế tạo dung dịch từ fibroin tơ tằm nhằm bảo quản măng tây sau thu hoạch. Tuyển tập báo cáo toàn văn Hội nghị Công nghệ Sinh học toàn quốc năm 2019, 628-631

Lê Việt Hoàng, Đỗ Thị Minh Huế, Trần Lê Bảo Hà, Đoàn Nguyên Vũ (2021). Nghiên cứu bảo quản măng tây sau thu hoạch bằng dung dịch fibroin-chitosan. Tuyển tập báo cáo toàn văn Hội nghị Công nghệ Sinh học toàn quốc năm 2021, 795-802

Tiếng nước ngoài:

Noreen, A., Sultana, S., Sultana, T., Tabasum, S., Zia, K. M., Muzammil, Z., … & Sultana, S. (2020). Natural polymers as constituents of bionanocomposites. Bionanocomposites, 55-85

Từ internet:

https://www.who.int/health-topics/food-safety, truy cập ngày 11 tháng 12 năm 2022

https://soyte.hanoi.gov.vn/tin-tuc-su-kien/-/asset_publisher/4IVkx5Jltnbg/content/toan-quoc-xay-ra-46-vu-ngo-oc-thuc-pham-trong-11-thang-nam-20-2, truy cập ngày 11 tháng 12 năm 2022

Call Now