DẠY HỌC SÁNG TẠO TẠI KHOA DƯỢC-NTTU

Cách mạng công nghiệp 4.0 đã đặt các trường Đai Học đứng trước thách thức rất lớn, cạnh tranh nguồn lực chất lượng cao không chỉ trong nước mà nó còn mang tính toàn cầu. Người lao động lúc này phải có tư duy sáng tạo, có khả năng thích nghi với các thách thức và yêu cầu công việc thay đổi liên tục trong thị trường lao động trong nước, khu vực và quốc tế, tránh nguy cơ bị mất việc làm [2]. Do đó, để có được nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thị trường, các trường Đại Học cần giảng dạy những kiến thức tích hợp giữa nhiều kiến thức, đồng thời rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, tự học, biết cách tìm hiểu và tra cứu tài liệu, biết cách xử lý thông tin để trở thành tri thức của mình. Do vậy, vai trò của người Thầy đã và đang tiếp tục thay đổi từ vị trí người dạy sang người điều phối, cố vấn, huấn luyện để tạo ra môi trường cho các hoạt động học tập sáng tạo.

Với nỗ lực cải tiến phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục, Khoa Dược-Trường Đại Học Nguyễn Tất Thành đã tổ chức nhiều hội thảo giúp giảng viên có có hội học tập, chia sẻ, nâng cao năng lực như Hội thảo Đổi mới phương pháp giảng dạy Khoa Dược – NTTU”, ngày 14/11/2017, Hội thảo ” Bài giảng hay -Thầy trò tích cực” ngày 26/12/2018…

Tuy nhiên, hiện nay, đại dịch Covid-19 đã gây ra sự khủng hoảng trong việc tương tác giữa người với người, bởi vì con người là loài động vật xã hội, giãn cách xã hội ảnh hưởng rất lớn sức khỏe, tư tưởng, tình cảm, tinh thần của mọi người [4].

Chính vì vậy, đối với lĩnh vực giáo dục, tương tác trong dạy học là việc cần thiết để đảm bảo cho việc dạy học có hiệu quả. Việc chuyển từ hình thức dạy học trực tiếp tại lớp sang dạy học trực tuyến càng cần người Thầy áp dụng nhiều phương pháp khác nhau để tăng sự tương tác trong lớp học.

Tương tác trong dạy học là sự tác động qua lại giữa các chủ thể là người dạy, người học cũng như toàn thể các thành phần của quá trình dạy học.

Quá trình dạy học bao gồm nhiều thành phần khác nhau, có mối tác động qua lại lẫn nhau. Có thể trình bày tổng quan các mối quan hệ giữa các yếu tố của quá trình dạy học trong một “khung lý luận dạy học” sau đây [1]

Hình 1.  Cấu trúc tương tác trong dạy học

Bài giảng tương tác là cách dễ dàng cho người hướng dẫn giúp cho sinh viên tham gia như những người chủ động trong bất kỳ qui mô lớp học nào. Người hướng dẫn có thể pha trộn nhiều kỹ thuật tương tác khác nhau trong một buổi học. Bởi vì “Học là trải nghiệm, mọi thứ khác chỉ là thông tin” (Albert Einstein)

Hình 2. Tác động của sự tương tác của sinh viên lên khả năng nhớ lại những gì họ đã nghe giảng. (Bligh, 2000) [3]

Với triết lý đào tạo của Trường là “Thực học-Thực hành-Thực danh-Thực nghiệp”, lấy sinh viên làm trung tâm, sinh viên được tạo điều kiện để chủ động tham gia đa dạng các hoạt động học tập, học thông qua trải nghiệm (experience-based learning) phù hợp với đặc điểm xã hội ở những giai đoạn khác nhau.

Việc đa dạng hóa các hoạt động trong lớp học, đặc biệt là lớp học trực tuyến, giúp bài giảng trở nên hấp dẫn và thu hút hơn, buổi học sẽ trở thành một trò chơi vui vẻ trong sự hình dung của người học. Từ đó, loại bỏ sự gò bó, áp lực của môi trường học tập. Nhờ đó, người học tham gia tương tác cao hơn bình thường nhờ việc vừa học, vừa chơi. Khi độ tương tác của người học đủ cao, sự tiếp thu và ghi nhớ kiến thức sẽ tốt hơn.

Theo từng môn học cụ thể, giảng viên có thể lựa chọn cách tiếp cận phù hợp.

Tôi xin chia sẻ một số hoạt động đã được áp dụng ở các lớp do bản thân phụ trách, như vẽ sơ đồ tư duy, tái chế rác thải nhựa, bìa carton, diễn kịch… hoặc học thông qua trò chơi nhằm nâng cao tương tác giữa sinh viên, cũng như phát triển tư duy sáng tạo, làm việc nhóm, hợp tác với người khác…. Thông qua đó, giảng viên định hướng giúp sinh viên phát triển bộ 10 kỹ năng cần thiết trong thời đại công nghiệp 4.0 [5].

Hình 3. Hoạt động dạy học sáng tạo ở 1 số lớp

Hình 4. Sinh viên thực hành tra cứu thông tin thuốc và báo cáo kết quả nhóm trong buổi học trực tuyến (Lớp thực hành Dược Lâm Sàng 22.06.21)

Lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường

(Lớp Môi Trường và Sức Khỏe, 19.04.2019)

Tóm tắt bài học bằng sơ đồ Tư Duy

(Lớp Dược Lâm Sàng 2, 09.04.2019)

Khi hoàn cảnh dạy học thay đổi thì khả năng tập trung, sáng tạo càng có thể được bộc lộ hơn “cái khó, ló cái khôn”

Hình 5. Nhóm tổ chức học tập qua trò chơi tìm tên thuốc (Lớp Chuyên Đề Dược Lâm Sàng 13.07.21)

Tóm lại, dạy học sáng tạo ngày càng phổ biến và là cách tiếp cận phù hợp với hoàn cảnh xã hội hiện nay nhằm đạt được mục tiêu giáo dục, nâng cao năng lực học tập cho sinh viên.

Tài liệu tham khảo

  1. Nguyễn Văn Cường and Nguyễn Cẩm Thanh (2015), Tương tác trong dạy học và dạy học tương tác, tạp chí khoa học số 2 ĐHSP Hà Nội, tr. 3-9
  2. Nguyễn Đắc Hưng (2017) , Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và vấn đề đạt ra với giáo dục Việt Nam, NXB Quân Đội Nhân Dân, tr 212.
  3. Peter Cantillon (2003), Teaching large groups, BMJ, 326 (7386), p. 437.
  4. https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/daily-life-coping/managing-stress-anxiety.html
  5. https://www.weforum.org/agenda/2016/01/the-10-skills-you-need-to thrive-in-the-fourth-industrial-revolution/

Lưu Thị Mỹ Ngọc

Phó Trưởng BM Dược Lâm Sàng-Khoa Dược NTTU

ltmngoc@ntt.edu.vn

Call Now