Ý nghĩa của định danh thực vật trong ngành dược

NTTU – Trong tự nhiên, thực vật là nguồn dược liệu vô cùng phong phú và đa dạng. Thông qua tên gọi chúng ta có thể phân biệt các loài, tuy nhiên trên thực tế, mỗi loài sẽ được gọi với nhiều tên thông thường (tên địa phương)

Trong tự nhiên, thực vật là nguồn dược liệu vô cùng phong phú và đạ dạng. Thông qua tên gọi chúng ta có thể phân biệt các loài, tuy nhiên trên thực tế, mỗi loài sẽ được gọi với nhiều tên thông thường (tên địa phương). Chẳng hạn loài Polyscias fruticosa (L.) Harms. có tên thông thường là đinh lăng, đinh lăng lá nhỏ, cây gỏi cá, nam dương lâm, hoặc cùng một tên nhưng được sử dụng cho nhiều loài khác nhau như đinh lăng để chỉ các loài thuộc chi đinh lăng. Điều này dễ gây nhầm lẫn trong quá trình thu, mua dược liệu. Do vậy để tránh nhầm lẫn, bên cạnh tên thông thường còn cần phải có tên khoa học. Tên khoa học của một thực vật sẽ gồm hai phần là tên loài và tên chi. Mặc dù tên khoa học của một loài ban đầu sẽ khó nhớ, khó đọc song sẽ chính xác hơn so với tên gọi địa phương.

Thông thường, các loài trong cùng một chi sẽ giống nhau ở một số các đặc điểm như dạng sống, hình dạng lá hay cấu tạo hoa, quả, hạt. Nhưng có nhiều loài có những đặc điểm chung có thể dễ dàng nhận thấy, và những đặc điểm rất khó phân biệt. Ví dụ như cây húng quế có tên khoa học là Ocimum basilicum, thường được gọi với các tên như húng giổi, é tía, é quế L. Còn húng trắng có tên khoa học là Ocimum basilicum var. pilosum. (Willd.) Benth (hình 1) thường được gọi với các tên như trà tiên, é trắng. Hai cây này có rất nhiều đặc điểm giống nhau như có mùi rất thơm, kiểu lá đơn, mọc đối chéo chữ thập; gân lá hình lông chim; cụm hoa: chùm xim ở ngọn cành; hoa lưỡng tính, không đều, có 5 lá đài dính nhau bên dưới thành ống hình chuông, trên chia hai môi; có 5 cánh hoa dính với nhau thành ống ở dưới, trên chia hai môi, bộ nhị: 4 nhị với kiểu 2 trội; bộ nhụy gồm 2 lá noãn dính thành bầu trên 2 ô, có vách giả chia làm 4 ô, mỗi ô 1 noãn đính đáy; một vòi nhụy; đĩa mật ở gốc bầu; quả bế 4. Ở Việt Nam cả hai loài này đều phổ biến và đều được sử dụng để chiết lấy tinh dầu, làm thuốc giải cảm, giải nhiệt, lợi tiểu hoặc dùng làm rau gia vị. Do đó, việc xác định loài và tên khoa học chính xác của loài là điều kiện tiên quyết cho bất kì nghiên cứu nào liên quan đến thực vật nói chung và dược liệu nói riêng.

Hình ảnh về húng quế (trái) và húng trắng (phải)

Có rất nhiều phương pháp để định danh thực vật như phương pháp quan sát hình thái (đặc điểm bên ngoài) và vi học (đặc điểm cấu tạo giải phẫu), phương pháp giải trình tự hay phương sinh hóa học… Trong đó, phương pháp quan sát hình thái và vi học là phương pháp đơn giản và không mất nhiều thời gian. Đối với phương pháp này, việc định danh một thực vật được thực hiện thông qua việc quan sát và mô tả. Khả năng phân biệt và phân loại chính xác những điểm giống và khác nhau giữa các loại dựa vào ít nhất ba kỹ năng là nhận dạng, mô tả và phân loại. Nhận dạng bao gồm các đặc điểm thị giác như hình dạng, kích thước, đặc điểm cảm quan như mùi, vị… Có thể sử dụng những từ đơn giản để mô tả một số đặc điểm đặc trưng của thực vật như “có sọc”, “có đốm”, “thô”, “mịn”… Ngoài ra, việc mô tả những đặc điểm phức tạp và chi tiết cần phải có sự quan sát tỉ mỉ. Ví dụ để có thể phân biệt được cây húng quế và húng trắng thì có thể quan sát một số đặc điểm như hình dạng phiến lá, màu sắc của lá bắc, lá đài và cánh hoa (bảng 1) và dựa vào đặc điểm cấu tạo giải phẫu.

♦ Đặc điểm khác biệt giữa loài húng quế và húng trắng:

Đặc điểm Húng quế

Ocimum basilicum L.

Húng trắng

Ocimum basilicum var. pilosum. (Willd.) Benth.

Hình dạng phiến lá Hình trứng, đỉnh nhọn, đáy hình nêm Hình trứng, nhọn hai đầu
Màu sắc của lá bắc Màu tím sậm hoặc xanh tía Màu xanh
Màu sắc của lá đài Màu tím sậm hoặc xanh tía Màu xanh
Màu sắc của cánh hoa Màu trắng hồng, rìa màu hồng Màu trắng
Về đặc điểm cấu tạo giải phẫu, hai loài này khá giống nhau ở các cơ quan thân, phiến lá, cuống lá: lông tiết đa dạng; lông che chở đa bào; mô dày góc; bó dẫn cấp 1 tập trung ở 4 góc thân. Tuy nhiên, hình dạng vi phẫu cuống lá, phiến lá đặc biệt phần gân giữa và bề dày của thịt lá so với chiều dày của gân giữa khác nhau giữa hai loài (bảng 2).

♦ Đặc điểm khác biệt về hình dạng của cuống lá và gân giữa của loài húng quế và húng trắng:

Cơ quan Húng quế

Ocimum basilicum L.

Húng trắng

Ocimum basilicum var. pilosum. (Willd.) Benth.

Cuống lá
Phiến lá

*lc: lông che chở; md: mô dày; bd: bó dẫn

Như vậy, bằng phương pháp quan sát hình thái về cơ quan sinh dưỡng (rễ, thân, lá), cơ quan sinh sản (hoa, quả, hạt) và cấu tạo vi phẫu có thể giúp định danh và phân biết nhanh một loài thực vật.

Lê Thu Thủy – Khoa Dược

*Nguồn: Trần Lê Ánh Thùy, Trương Thị Đẹp (2011), “Đặc điểm hình thái và giải phẫu các loài của chi Ocimum họ Bạc hà (Lamiaceae) ở Việt Nam”, Y học TP. Hồ Chí Minh, 15(1), tr. 378-285

Michelle Nakano (2020), Red Seal Landscape Horticulturist Identify Plants and Plant Requirements (F2 – 1&2), Kwantlen Polytechnic University.

Động thực vật Việt Nam. https://faunaandfloraofvietnam.blogspot.com/2020/03/ocimum-basilicum-var-pilosum-tra-tien-e.html. Truy cập ngày 09/12/2021

Planet. https://identify.plantnet.org/the-plant-list/species/Ocimum%20basilicum%20L./data. Truy cập ngày 09/12/2021

Call Now