RỐI LOẠN LIPID MÁU VÀ ĐIỀU TRỊ

  1. Rối loạn lipid máu là gì?

Rối loạn lipid máu là tình trạng tăng nồng độ cholesterol toàn phần, tăng triglyceride, tăng lipoprotein trọng lượng phân tử lượng thấp (LDL-C) và/hoặc giảm nồng độ lipoprotein trọng lượng phân tử lượng cao (HDL-C) so với các giá trị bình thường trong huyết tương.

Lipd trong máu

Cholesterol

  • Bình thường: < 5,2 mmol/l (< 200 mg/dl)
  • Tăng giới hạn: 5,2 – 6,2 mmol/l (200 – 239mg/dl)
  • Tăng cholesterol máu: > 6,2 mmol/l (> 240 mg/dl)

Triglycerid

  • Bình thường: < 1,7 mmol/l (< 150 mg/dl).
  • Tăng giới hạn: từ 1,7 – 2,25 mmol/l (150-199 mg/dl).
  • Tăng triglycerid: từ 2,26 – 5,64mmol/l (200 – 499mg/dl).
  • Rất tăng: > 5,65 mmol/l (> 500 mg/dl).

HDL-C (Lipoprotein có tính bảo vệ thành mạch), giảm HDL-C là có nguy cơ cao với xơ vữa động mạch

  • Bình thường: > 0,9 mmol/l.
  • Khi HDL-C < 0,9 mmol/l (< 35mg/dl) là giảm.

LDL–C (Lipoprotein làm tăng quá trình xơ vữa)

  • Bình thường: < 3,4 mmol/l (< 130 mg/dl)
  • Tăng giới hạn: từ 3,4 – 4,1 mmol/l (130-159 mg/dl)
  • Tăng nhiều: > 4,1 mmol/l (> 160 mg/dl)

Rối loạn lipid máu hỗn hợp

  • Rối loạn lipid máuhỗn hợp là khi cholesterol > 6,2 mmol/l và triglycerid trong khoảng 2,26 – 4,5mmol/l.

 

  1. Nhóm thuốc điều trị rối loạn lipid máu Bộ Y tế

Cách điều trị rối loạn lipid máu đầu tiên là thay đổi lối sống. Nếu thay đổi lối sống sau 2-3 tháng mà không đem lại hiệu quả như mong muốn thì cần phải chỉ định điều trị với các nhóm thuốc điều trị rối loạn lipid máu như sau:

  • Nhóm statin (HMG-CoA reductase inhibitors)

Tác dụng: Ức chế enzym hydroxymethylglutaryl CoA reductase – enzym tổng hợp cholesterol toàn phần, làm giảm cholesterol toàn phần nội sinh, kích thích tăng tổng hợp thụ thể LDL-C, tăng thu giữ LDL-C tại gan. Kết quả làm giảm LDL-C, VLDL, cholesterol toàn phần, triglycerid và tăng HDL-C. Ngoài ra nhóm statin còn làm giảm quá trình viêm của nội mạc mạch máu, giúp thoái triển mảng xơ vữa, tăng tổng hợp nitric oxide của tế bào nội mạc.

Tác dụng không mong muốn có thể gặp là tăng men gan, tăng men cơ khi dùng liều cao hoặc ở cơ địa người già hoặc đang dùng nhiều loại thuốc đồng thời như kháng sinh nhóm macrolid. Thận trọng đối với người bệnh mắc các bệnh lý gan.

Chỉ định điều trị: tăng LDL-C, tăng cholesterol toàn phần.

  • Nhóm fibrate

Tác dụng: Làm giảm triglycerid do kích thích PPAR alpha làm tăng oxy hóa acid béo, tăng tổng hợp enzym lipoprotein lipase, làm tăng thanh thải các lipoprotein giàu triglyceride, ức chế tổng hợp apoC-III tại gan, tăng sự thanh thải VLDL. Các fibrat cũng làm tăng HDL do thúc đẩy trình diện apoA-I và apoA-II.

Tác dụng không mong muốn: Rối loạn tiêu hóa như đầy hơi, trướng bụng, buồn nôn, giảm nhẹ chức năng gan, tăng men gan, sỏi mật, tăng men cơ, phát ban. Tác dụng phụ thường xảy ra khi dùng liều cao hoặc do cơ địa người già hoặc có bệnh lý thận, gan từ trước. Làm tăng tác dụng của thuốc chống đông, nhất là thuốc nhóm kháng vitamin K. Không dùng nhóm fibrate cho phụ nữ có thai hoặc cho con bú, bệnh suy gan, suy thận.

Chỉ định điều trị: tăng triglycerid

  • Nhóm acid Nicotinic (Niacin, vitamin PP).

Thuốc có tác dụng giảm triglycerid do ức chế phân hủy từ tổ chức mỡ và giảm tổng hợp triglycerid tại gan, ức chế tổng hợp và ester hóa acid béo ở gan, tăng thoái biến apo B, giảm VLDL, giảm LDL và tăng HDL (do giảm thanh thải apoA-I).

Tác dụng không mong muốn: Đỏ phừng mặt, ngứa, rối loạn tiêu hóa như đầy hơi, trướng bụng, buồn nôn, giảm nhẹ chức năng gan, tăng men gan, sỏi mật, tăng men cơ, phát ban, tăng đề kháng insulin. Tác dụng phụ thường xảy ra khi dùng liều cao, hoặc cơ địa tuổi người già hoặc có bệnh lý thận, gan trước.

Chỉ định: tăng LDL-C, giảm HDL-C, tăng triglycerid.

  • Nhóm Resin (Bile acid sequestrants)

Cơ chế Resin là trao đổi ion Cl- với acid mật, từ đó tăng tổng hợp acid mật từ cholesterol, làm tăng bài tiết mật và giảm cholesterol ở gan, kích thích tổng hợp thụ thể LDL-C, tăng thải LDL-C.

Tác dụng không mong muốn của nhóm Resin: Các triệu chứng rối loạn tiêu hóa như đầy hơi, trướng bụng, buồn nôn, táo bón.

Chỉ định: tăng LDL-C.

  • Ezetimibe

Thuốc ức chế hấp thụ cholesterol toàn phần tại ruột, làm giảm LDL-C và tăng HDL-C. Thuốc rất ít tác dụng phụ, có thể gặp là tăng men gan.

Liều lượng: 10mg/ngày.

Chỉ định: tăng LDL-C.

  • Omega 3 (Fish Oils)

Cơ chế tăng dị hóa triglycerid ở gan.

Liều thường áp dụng trên lâm sàng: 3g/ngày, liều tối đa 6g/ngày.

Tác dụng không mong muốn: Rối loạn tiêu hóa như đầy hơi, trướng bụng, tiêu chảy.

Chỉ định trong trường hợp tăng triglycerid.

  1. Mục tiêu điều trị rối loạn lipid máu cần đạt

Hút thuốc lá: Không tiếp xúc với thuốc lá dưới bất kỳ hình thức nào

Chế độ ăn: Chế độ ăn kiêng có hàm lượng chất béo bão hòa thấp, tập trung vào các sản phẩm ngũ cốc nguyên hạt, rau, trái cây và cá.

  • Hoạt động thể chất: Dành 2,5 – 5 giờ hoạt động thể lực vừa phải – mạnh mỗi tuần hoặc 30 – 60 phút mỗi ngày.

Tập thể dục đều đặn giúp giảm nguy cơ rối loạn lipid máu

  • Trọng lượng cơ thể: BMI 20-25 kg/m2, chu vi vòng eo < 94cm (nam) và < 80cm (nữ).

Kiểm soát cân nặng và chu vi vòng eo

  • Huyết áp: Huyết áp < 140/90 mmHg.
  • Tiểu đường: HbA1c: <7% (<53 mmol/mol)
  • Mục tiêu Lipid: LDL-C là mục tiêu chính của việc điều trị rối loạn lipid máu:
  • + Ở những bệnh nhân có nguy cơ tim mạch rất cao: mục tiêu LDL-C <1,8 mmol/L (70 mg/dL) hoặc giảm ít nhất 50% nếu mức ban đầu 1,8-3,5mmol/L (70 và 135 mg/dL).
  • + Ở những bệnh nhân có nguy cơ tim mạch cao: mục tiêu LDL-C <2,6 mmol/L (100 mg/dL) hoặc giảm ít nhất 50% nếu trị số ban đầu 2,6-5,2 mmol / L (100 và 200 mg/dL).
  • + Đối với những người có nguy cơ thấp hoặc trung bình: mục tiêu LDL-C <3,0 mmol/L (115 mg/dL)
  • + Các mục tiêu thứ cấp non-HDL-C là <2,6 mmol/L; 3,4 mmol/L và 3,8 mmol/L (100, 130 và 145 mg/dL) theo thứ tự đối với những người nguy cơ rất cao, cao và trung bình.
  • + HDL-C: không có mục tiêu, nhưng mức tăng >1.0 mmol/L (40 mg/dL) ở nam giới và >1,2 mmol/L (48 mg/dL) ở phụ nữ cho thấy nguy cơ tim mạch thấp hơn.
  • + Triglycerid: không có mục tiêu nhưng <1,7 mmol/L (150 mg/dL) cho biết nguy cơ thấp hơn và mức độ cao hơn cho thấy cần phải tìm kiếm các yếu tố nguy cơ khác.

 

TLTK:

  1. Adult Treatment Panel III, National Cholesterol Education Program. “Detection, Evaluation, and Treatment of High Blood Cholesterol in Adults”. May 2001; NIH publication 01-3670.
  2. Grundy SM, Cleeman Jl, Merz CNB, et al. “Implications of recent clinical trials for the National Cholesterol Education Program Adult Treatment Panel III guidelines”. Circulation 110:227-239, 2004.

Call Now